Khác với các loại gỗ công nghiệp khác, gỗ dán đã được con người sáng tạo và sử dụng từ rất lâu đời. Vậy gỗ ván ép là gì? Loại gỗ này sở hữu những ưu điểm nào mà được con người ứng dụng và sử dụng lâu đời đến vậy. Bạn hãy cùng Apollo tìm hiểu về loại gỗ đặc biệt này nhé.
Gỗ ván dán hay còn gọi là ván ép hay plywood |
1. Gỗ Plywood là gì
Gỗ ván ép hay còn có các tên gọi như plywood, gỗ dán, gỗ ép. Gỗ là tấm ván gỗ được hình thành từ nhiều lớp gỗ tự nhiên lạng mỏng (dày khoảng 1 mm). Các lớp gỗ này sử dụng hóa chất để kết dính và sắp xếp vuông góc với nhau theo hướng vân gỗ của mỗi lớp, rồi được ép lại dưới áp suất và nhiệt độ cao.
2. Lịch sử của gỗ ván dán
Gỗ ván dán là loại gỗ công nghiệp đầu tiên được phát minh. Có những dấu vết còn sót lại của gỗ ván dán được các nhà khảo cổ tìm thấy trong lăng mộ các Pharaon tại Ai Cập vào khoảng 3500 năm trước Công Nguyên.
Khoảng một ngàn năm trước, người Trung Hoa đã sử dụng phương pháp bào mỏng gỗ và dán chúng lại với nhau để sản xuất nội thất. Người Anh và người Pháp đã ghi nhận rằng cơ bản đã ứng dụng dạng gỗ dán vào thế kỷ 17 và thế kỷ 18.
Đến năm 1847, cha đẻ của nhà khoa học nổi tiếng Alfred Noble là ông Immanuel Nobel đã phát hiện ra rằng ra rằng, khi liên kết các lớp gỗ mỏng tự nhiên lại với nhau, sẽ tạo thành một tấm gỗ có độ bền rất cao. Tuy nhiên phải đến năm 1905, tấm gỗ ván dán đầu tiên mới được triển lãm tại hội chợ Clark & Lewis ở Phần Lan.
Vào năm 1928, các tấm ván dán với kích thước tiêu chuẩn 1,2m x 2,4m (4 feet x 8 feet) bắt đầu được sử dụng như một loại vật liệu xây dựng được giới thiệu tại Mỹ.
3. Thành phần và tính chất của ván ép
Ván plywood cấu tạo gồm 3 phần:
- Phần lõi ván: gồm nhiều lớp gỗ tự nhiên được lạng mỏng có độ dày khoảng 1mm.
- Phần bề mặt: là lớp gỗ tự nhiên.
- Phần keo: các loại keo được sử dụng để kết dính thường là keo Phenol Formaldehyde (PF) và keo Urea Formaldehyde (UF).
Nguyên liệu được dùng để sản xuất gỗ ván ép thường là các loại gỗ rừng trồng như: bạch dương, keo, thông, trám, bạch đàn...
Ván có các kích thước tiêu chuẩn là: 1000 x 2000 mm, 1160 x 2440 mm và 1220 x 2440 mm. Ván có độ dày: 3, 4, 5, 6, 8, 10, 12, 15, 18, 20, 25 (mm)
Để có một lớp lõi ở giữa và tạo ra hướng vân gỗ giống nhau ở ngoài cùng tấm ván, thì gỗ ván ép luôn có số lớp là số lẻ (3, 5, 7, 9...). Các lớp gỗ này kiềm chế lẫn nhau không bị cong vênh hoặc nứt gãy. Kết quả là các lớp mỏng ở hai phía lớp lõi bị lớp lõi giữ chặt không thể tự do giãn nở. Đồng thời những lớp gỗ này được xếp vuông góc với nhau giúp gỗ có khả năng chịu lực tốt hơn, giúp tấm ván không bị cong vênh và co ngót..
4. Ưu điểm và nhược điểm của ván gỗ dán
Ưu điểm:
– Do cách sắp xếp các lớp gỗ đan xen, vuông góc với nhau nên ván dán cứng và có độ bền cơ lý rất cao.
– So với ván MDF, ván dán ít bị ảnh hưởng bởi nước hơn và ván không dễ bị phồng khi ngâm nước như ván MDF.
– Ván dán có khả năng bám vít và bám keo tốt.
– Ván chịu ẩm khá tốt trong môi trường thoáng khí.
Nhược điểm:
– Ván dán có giá thành cao hơn so với ván MFC hay MDF.
– Cạnh ván dễ bị sứt mẻ khi cắt.
– Quy trình sản xuất ván không đạt tiêu chuẩn khiến ván dễ cong vênh, bề mặt gồ ghề và dễ bị tách lớp trong môi trường có độ ẩm cao.
5. Ứng dụng của ván gỗ plywood
Với độ bền cơ lý cao, ván gỗ dán có tính ứng dụng cao như:
Ván được sử dụng rộng rãi trong xây dựng như làm khuôn đổ bê tông hay vật liệu phủ.
Ván ép nhiều lớp được ứng dụng cho những sản phẩm cần có độ ổn định và khả năng chịu lực cao như vách và sàn nhà.
Ván gỗ dán có thể tiếp tục được phủ các bề mặt như: melamine, sơn, acrylic, laminate... để ứng dụng trong nội thất làm bàn, tủ, giường...
Ngoài ra, ván dán còn được dùng để đóng ghe, thuyền.